Chọn chế độ đọc: Sáng - Tối
Chap 15: Chúa đảo
- Em giải thích đi Nga? Chuyện này là thế nào đây? Anh dặn em thế nào? - Ông Trung trừng mắt nhìn con bé và đồng bọn nhưng đáp lại sự sừng sộ ấy vẫn chỉ là một thái độ tưng tửng như mọi khi.- Anh dặn em ở nhà tiếp khách. Thế thôi.
- Em tiếp kiểu gì thế hả? Có cái kiểu tiếp khách nào thế này không? Em nhìn cổ thằng Kin kìa? Lại còn để nó vất vưởng ngoài kia mấy hôm, anh biết nói thế nào với bố, với bác?
- Ai bảo anh ấy không nhận ra em? Mà anh hỏi lại xem, em tiếp hơi bị chu đáo đấy nhé, không thường đâu. - Con bé gân cổ lên cãi lại.
Nó giật mình khi thấy con bé nhắc đến chuyện đấy, bỏ mẹ, ông Trung mà biết thì nhục mặt. Nó thấy vậy liền vội nói chen ngang vào
- Thôi không sao anh ơi, người trong nhà hiểu nhầm thôi mà, cô bé này cũng bướng nhỉ? Em là ai anh gặp bao giờ mà nhớ? - Kèm theo đó một cái nhăn mặt tỏ ý cấm ho he cái chuyện kia ra đấy. - Thực ra bình thường em trêu anh cũng không sao? Nhưng giờ hoàn cảnh anh ai mà trêu anh cũng chẳng thấy vui được.
- Hứ...
Con bé nguýt một cái dài rồi quay ngoắt đi. Ông Trung thấy nó can cũng thôi luôn không nói gì nữa. Xem chừng cô nàng này cũng không phải loại dễ bảo trong nhà. Ông Trung kéo chén trà về phía nó lắc đầu
- Nó là con em cùng cha khác mẹ với anh. Từ bé đã chẳng ai dạy được nó rồi. Nó ở trên này một mình, chẳng ai quản được cả.
- Em thấy nó cứ sống kiểu bầy đàn thế này, sợ không hay anh ạ? Nó có đi học không? Sao chú với anh không đưa nó về đất liền?
- Nó học xong cao đẳng rồi. - Mặt nó tẽn ra khi nghe câu này, tổ sư cứ tưởng con ranh ấy lớp 9 chứ. - Bố anh cho nó ở trên này, mấy khách sạn với chợ cá và bến phà ở đây là thu nhập chính của anh với nó. Đừng nhìn nó bên ngoài trẻ ranh mà coi thường, nó chẳng dựa vào thằng nào đâu, mấy thằng kia là do bố anh đưa đến cho nó sai vặt thôi. Nó cũng hai mấy rồi, không phải loại trẻ con xốc nổi, có điều từ lúc dì (mẹ ghẻ) mất, tính nó thành ra bướng chẳng nghe ai, thích làm ngược.
- Thôi bỏ đi anh. - Nó trầm ngâm khi nghe đến việc mẹ con bé mất, hình như cuộc đời nó cũng thay đổi khá nhiều từ khi mất bố.
Bữa cơm trưa ngon miệng, tự tay ông Trung nấu cho nó. Có cả con bé Nga, thằng Hoàng ăn cùng. Mấy người chỉ nói chuyện qua loa vài câu có vẻ gượng gạo, ông Trung nói đến chiều lão răng vàng về sẽ nói chuyện cụ thể sau, tạm thời nó cứ ở đây, cứ tự nhiên thoải mái không có gì phải lo lắng cả.
- Anh lên trên pháo đài ở, nhà em trước ở trên đó, có mạng mẽo, tivi đầy đủ, không nên ở đây nhiều người ra vào. - Con bé Nga cũng tham gia câu chuyện.
- Đúng rồi, dân lạ lên đảo việc đầu tiên là vào quán nước, chợ cá hoặc nhà nghỉ, tránh chỗ này ra là tốt. Còn tiền bạc trên đào này em không phải tiêu, cần gì cứ bảo cái Nga lấy, cứ sống ngoài này mấy hôm đi rồi em sẽ thấy cuộc sống cũng không khó chịu lắm đâu, buồn buồn thì bảo thằng Hoàng sắp xếp đưa đi chơi, coi như đi nghỉ dưỡng dài ngày đi.
Dĩ nhiên là nó đâu còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc nghe theo, hơn nữa đây cũng là sự sắp xếp của mẹ nó rồi, ở đây ăn sung mặc sướng dù vẫn tù túng theo nghĩa nào đó nhưng hẳn là dễ chịu hơn trong khám đá rất nhiều. Đến chiều lão răng vàng có tạt qua nhà nghỉ một chút, lão vẫn như vậy gương mặt đen sạm, dáng người gầy gầy với mái tóc hoa râm, cười nhe nguyên cả hai hàm răng với mấy chiếc răng vàng khè vỗ vỗ vai nó
- Thôi cứ chịu khó, chuyện ở nhà đã có bà già mày lo rồi.
- Liệu bao lâu thì cháu được về hả chú? - Nó hớn hở
Mặc lão hơi đứng hình một chút, nụ cười trên môi cũng tắt hẳn, lão nghiêm nghị
- Chú phải nói để cháu chuẩn bị tinh thần, chuyện của cháu chưa biết thế nào. Có thể ngày nay, ngày mai là xong cũng có thể chưa biết bao giờ. Cháu là dòng máu của nhà họ Hoàng, cháu phải giữ lấy.
Nó nghe xong cũng tắt ngấm nụ cười luôn, lão ấy không có dọa, nó biết giờ đây mình bị kẹp giữa hai bên trắng đen. Bên nào cũng muốn có nó, chưa kể thằng Khải giờ cũng có thể đang lồng lộn lên vì biết nó đã không làm theo kế hoạch, đường về của nó giờ mênh mông mịt mờ vô cùng.
- Thôi cứ ở đây, tầm tháng 6, 7 mẹ mày đi Tuần Châu chơi rồi chú sắp xếp, tuyệt đối không dùng điện thoại liên lạc về nhà, chắc mày cũng không ngu đến mức vào facebook hay zalo gì gì đâu nhỉ? Những cái gì cũ bỏ hết, quên hết. Ở đây chú là chúa đảo, chú lo được cho mày trong cái địa phận này.
- Dạ vâng ạ.
- Trung để cho thằng Kin ở đâu? Hay là nhồi nó vào nhà thằng Hoàng thế?
- Dạ, lên pháo đài bố ạ.
- Thế là ở chung với cái Nga à? - Lão cười ha hả.
- Vâng, đấy là nó tự bảo không phải con ép nó đâu. - Ông Trung cũng cười theo.
- Chú không sợ ở như thế giao trứng cho ác ạ?
Lão răng vàng nhìn nó một lúc rồi nghiêm nghị nói
- Chú nghĩ là mày lớn rồi, không đến nỗi sẽ bị con bé bắt nạt quá, cùng lắm nó chỉ trêu mày tí thôi, đừng lo cháu ạ. Cứ yên tâm ở đây.
Nó tròn mắt ngạc nhiên, đù, cái nhà ông này nghĩ mình là trứng mới sợ chứ.
Chỗ nó ở là một khu pháo đài cũ của bộ đội biên phòng bỏ lại từ hồi đảo này còn chưa có người ở, giờ đảo cũng khá đông đúc người rồi thành ra các cơ quan quân sự chuyển hết sang cho hành chính và dân sự. Đây là điểm cao của cả đảo, đứng đây có thể nhìn thấy gần như toàn bộ đảo, đặc biệt là bờ biển dài bên trái nơi không có tàu thuyền neo đậu, ở đó nước khá trong, cứ sáng sớm triều rút nó thấy bờ cát dài ra tới tận vài chục mét. Ở trên này nhưng chưa bao giờ nó tắm biển nhưng đặc biệt thích buổi sáng ngủ dậy chạy một mạch ra đó đi dọc mép nước xong tạt qua chợ mua vài con mực một nắng về nhấm nháp. Thi thoảng nó vẫn lấy ống nhòm leo lên sân thượng soi về phía đất liền xem chơi nhưng chỉ thấy mênh mông nước biển, chứng tỏ nơi này cách khá xa đất liền, những lúc buồn nó thấy đây như một nhà tù lớn và đẹp.
Tòa nhà xây theo kiểu hành chính công vụ kiêm phòng thủ, bên trong được sơn sửa lại khá bắt mắt nhưng bên ngoài vẫn một màu đá xám ngoét từ bậc thanh đi lên cho tới tường và sân cổng, thực ra lại đúng cái kiểu lâu đài trung cổ mà nó rất thích. Trong nhà lại nuôi hai con chó giống mông cộc một đen một tro đốm tên lại ngược màu, con đen gọi là Đốm còn con đốm gọi là Mực, thể hiên cái bản chất tróe nghoe của chủ. Nghe đồn con bé Nga phải vào tận bản người Mông ăn chực nằm chờ ở đấy mấy tháng mới mua được con Mực của một lão già thợ săn với giá 3 tải muối, lúc về thì con chó nhà ông trưởng bản cũng vừa hạ sinh thêm một lứa nữa nên con bé mua thêm con Đốm, là con tốt nhất đàn đã được người Mông tuyển chọn kĩ. Nói đến chủ đề chó thì con bé khá là thích thú, gần như phần lớn những khi con bé vui mồm kể chuyện với nó là lúc đang chăm mấy con chó này, Nga kể là người Mông có nhiều tập tục lạ và hay trong đó có tục kén chọn giống chó tốt, chó mẹ vừa hạ sinh một lứa thì người chủ dồn vào một cái lán nào đó rồi đốt đống lửa to ở cửa, chó mẹ theo bản năng sẽ chọn con tốt nhất tha ra ngoài, con chó đó sẽ được chăm sóc kĩ lưỡng cẩn thận thành chó săn. Lũ còn lại hoặc sẽ bị nhồi thuốc bắc đem hầm, ăn bổ phải biết hoặc sẽ được nuôi đợi lớn giết thịt sau, về sau người xuôi có phong trào nuôi chó lạ, nên chó thải được đem về xuôi nhiều với cái giá cũng chẳng phải là quá cao. Nga chưa từng được xem con Mực được tuyển như thế nào nhưng nghe lão thợ săn kể hồi nó mới đẻ lão ném cả lũ xuống suối và không cho con mẹ xuống cứu, chỉ duy có con Mực là bơi được về bờ, từ đó lão chăm Mực như cục vàng cho tới tận lúc Nga tới bắt, lão quý vì cái tính kiên trì của con bé nên tính cho không chứ thực ra 3 tải muối đổi lấy con Mực là cái giá quá rẻ mạt cho một con chó săn đang tuổi sung sức. Tính ra như vậy con Mực là anh, con Đốm là em trong nhà. Nhiều lúc con bé nhìn nó trêu: "kin tới sau phải gọi là em út".
Nói chung con bé khá giống con trai trừ một điểm nó khá xinh đẹp. Chuyện ở chung nhà cũng không phải trở ngại quá lớn, gần như con bé đi biền biệt, thực ra quanh đảo này nhà ông Trung vẫn còn vài cái nhà nữa, đâu phải thiếu chỗ ngủ đâu, có điều chắc nó được ưu tiên ở chỗ thoải mái nhất. Hồi đầu nó còn tò mò hỏi khi thấy con bé sáng sớm lếch thếch đi về mặt mũi thấm vẻ buồn ngủ
- Đi đâu cả đêm đấy.
- Đánh xóc đĩa.
Con bé trả lời tưng tửng rồi sập cửa phòng ngủ luôn về sau thì nó chẳng hỏi nữa, nó cảm giác mình như chủ nhà còn con bé chỉ là người ở trọ bất đắc dĩ mà bơ đi. Cũng có lần nó thấy thằng Hoàng mặt mũi thâm tím đèo con bé về nhà trong trạng thái như kẻ thất trận, nó cũng chỉ nhìn trân trân vậy thôi chả dám hỏi thì bị con bé vặt lại ngay
- Bị đánh, nhìn cái gì?
- Ai đánh?
- Vào viện mà hỏi chúng nó.
Cũng có những hôm hiếm hoi con bé dắt nó đi dạo quanh đảo, giới thiệu chỗ này chỗ kia rồi xuống chợ cá cầm theo một quyển sổ đi từng thuyền ghi ghi chép chép và nhận tiền. Nó buột miệng hỏi
- Mày cho vay bát họ cả dân chài luôn à?
- Vớ vẩn, anh nghĩ cái gì thế? - Con bé vuốt mấy sợi tóc mai trên trán cau mặt- Bố em và anh Trung cho họ vay tiền ra khơi, đi về thì họ trả lại thôi. Không lấy lãi. Nhiều người ở đây có thuyền nhưng bữa đói nữa no không có tiền dầu, tiền lưới, tiền đồ nghề ra biển thì tìm đến nhà em, sau khi ra biển về thì họ bán cá trả lại, còn nếu không đủ thì cho ghi nợ để lần sau. Anh Trung là bí thư xã này, không ai làm cái việc tèm nhèm đấy.
- Tưởng ông chú thế nào, hóa ra cũng tốt phết nhờ.
- Ăn người chín phương cũng để lại một phương tích đức. Chỗ tiền này đáng là bao nhiêu đâu nhưng nếu cho không họ thì họ không có ý muốn làm ăn nữa mà dựa mình mãi thôi.
Đấy, đại khái là thế! Nói chung trong suốt mấy tháng ở đây ngoài những lúc nô đùa với hai con chó ra chưa bao giờ nó thấy con giặc cái này bình thường hết.
Của đáng tội, nó xinh thật. Chậc. Nó nhìn con bé cười với một đứa trẻ con trên thuyền mà tự nhiên thấy tim lại đập rộn ràng mới chết chứ.
Thấm thoát nó cũng đã ở đây được nửa năm, đón một cái tết xa gia đình nhưng không đến nỗi cô quạnh lắm. Đợt tuần trước nghe lão răng vàng bắn tin là sang tuần mẹ nó sang Trà Cổ chơi sẽ sắp xếp để hai mẹ con gặp nhau, nó cũng mừng ra mặt nhưng rồi cũng thấy bình thường. Mẹ nó chỉ tạt qua hỏi thăm nó mấy câu và dặn dò nó đừng phá phách, nó hỏi gì cũng không thấy nói cứ bảo là yên tâm, từ từ sắp xếp, xong lại vội vã đi ngay. Nhìn mẹ với chị nó trông không có vẻ gì là lo lắng hay buồn phiền quá, có vẻ như mọi người đang đi du lịch thật sự, trái với cảnh khóc lóc sướt mướt mà nó tưởng tượng khi gặp nhau. Nó sợ là mẹ sẽ ấn nó ở đây luôn cho đỡ phải về nhà phá phách mất thì toi.
Đấy chuyện nó là như thế, cuộc sống của nó hàng ngày cứ như một chuyến nghỉ dưỡng dài miên man và bất tận... Nếu như...
Cuộc đời nhiều chữ nếu thật!
Đấy là một buổi sáng xấu giời, nó mở cửa nhà và chuẩn bị đi chợ sáng thì không thấy hai con nặc nô kia vẫy đuôi như mọi khi. Thường thì hai của nợ ấy sáng dậy đón nó sớm lắm rồi tí nữa khi nó đi về tranh nhau mấy con cá nục nhỏ tanh ngòm ngòm. Nó chạy quang sân tìm thì thấy vệt máu chạy dài quanh sân tới tận góc vườn, con Mực nằm một chỗ vẫn thở thoi thóp còn con Đốm bị kéo lê ra tận ngoài cổng đã lạnh ngắt, cổ nó bị cắt sâu vào một phần ba ngọt lịm, máu đã đông lại đen thẫm...
BÌNH LUẬN VỀ TRUYỆN