Chọn chế độ đọc: Sáng - Tối
Chap 13: Từ PingXiang tới Bắc Luân
Bằng Tường là thành phố nhỏ thuộc tiểu khu Sùng Tả, đây là một khu tự trị dân tộc Choang thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ở đây thưa dân, nghe đâu chưa tới hai vạn người, diện tích cũng chỉ khoảng 650km2 lại nằm ở vị trí trọng điểm giáp ranh với tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam về phía Tây. Đường xá sang đây khá là êm ái và dễ đi, nhưng mà số phận lại bắt nó đi theo con đường khó nhất, chẳng phải những chuyến xe đêm chạy từ bến Lương Yên, cũng chẳng phải chuyến tàu Hà Nội - Bằng Tường vừa đi vừa ngủ gật xình xịch chạy đưa nó đến đây mà là đường tiểu ngạch trèo đèo lội suối đến bật cả máu gan bàn chân mới mang được xác sang xứ người.Chính vì thế mà sau này mỗi khi cầm trên tay một món hàng Tàu, nó lại chan chứa tình cảm và sự cảm thông với dân cửu vạn đã đổ bao mồ hôi và nước mắt mới thồ được nó về cho dân mình dùng (mỉa mai). Đây không phải lần đầu tiên nó đặt chân đến đây, có những lần thảnh thơi bắt xe lôi chơi loanh quanh đợi tàu về(xe che bạt, đằng sau có hai băng ghế cho khách ngồi gần giống xe thương binh nhà mình), thành phố này nhỏ thành ra danh thắng chẳng có nhiều chỉ đi độ một giờ là hết, thành ra quanh quẩn cuối cùng nó lại đi đi vãn cảnh Hữu Nghị Quan, một trong chín quan ải lớn nhất Trung Quốc và cũng là quan ải lớn nhất trong ba quan ải của tỉnh Quảng Tây, nó vẫn còn nhớ như in cái cảm giác choáng ngợp khi đứng giữa hai bên thành lầu cao trăm trượng trông giống như con trăn khổng lồ nối liền hai chân núi để chiêm ngưỡng cái khí phách hùng vĩ của một nơi được ví như một viên minh châu nằm ở biên giới Việt - Trung, cũng nó khi nó chỉ vội vàng phút chốc dừng chân ăn một bát mì vằn thắn ơ bến xe trong một chuyến đi vội vã nào đó vì sự mưu sinh hàng ngày, dĩ nhiên mỗi lần có một cảm xúc khác nhau gắn với từng hoàn cảnh, địa vị khác nhau trong xã hội, khi thì là một con buôn vừa mới sa cơ thất thế đi kiếm cơ hội làm giàu, khi đã thành thằng có máu mặt đại diện cho một thế lực sang gặp đối tác làm ăn, còn giờ... Thật nực cười, nó là một thằng đang đi trốn.
Nó thong dong ngồi trên taxi nhìn người và xe trên phố, dân ở đây chủ yếu là người Tráng (Choang), còn lại có người Miêu, Hán, Dao, Kinh chưa kể người Việt mình sang làm ăn buôn bán, lao động, thành ra nhìn ai cũng có nét thân thuộc, gần giống với người Việt Nam hơn là người Trung Quốc. Từng con phố, dãy nhà ở đây cũng khá thân thuộc, nếu không có những tấm bảng chỉ đường bằng tiếng Trung Quốc, sáng rực rỡ màu đỏ nhiều hơn tiếng Việt thì có thể tưởng vẫn còn ở trên đất Việt Nam. Bằng Tường là thành phố nhỏ, người dân nơi đây là những tiểu thương sống chủ yếu giao dịch buôn bán quanh biên giới Việt Nam, chẳng có công nghiệp hay khai khoáng môi trường cũng tạm ổn. Nó ngồi trên xe nhìn dòng người cả trên xe máy lẫn oto ngược xuôi qua lại mà cảm giác vẫn như ở một con đường nào đó trên Hà Nội. Đi khoảng 15p thì xe rẽ vào một con đường nhỏ rồi dừng lại ở cổng chợ Bằng Tường. Mẹ nó vừa điện lại báo cho nó biết chẳng có khách sạn trung tâm nào hết nó cứ bảo lái xe cho đến chợ rồi tìm quán lẩu Tứ Xuyên ngoài cổng là có người đón, cứ trống đánh xuôi kèn thổi ngược thế này cũng đau đầu, may là nó chưa bắt taxi đi lòng vòng để tìm thì mẹ đã gọi rồi. Còn trách nó sao vội tin người mà đi ngay thế, đống sim kia tí nữa phải lập tức bỏ hết, đồng thời kiểm tra xem đồ đạc mang theo có định vị gì không. Nó cũng dạ dạ vâng vâng cho mẹ vừa lòng chứ cũng không muốn kiểm tra lại vì không cần thiết, đối với thằng Khải nó sang đây mà không báo lại gì đã là một sự vô phép rồi, còn dám nghi ngờ nữa sao.
Nó xách túi đồ xuống xe rảo bước đi, may là biển hiệu ở đây có cả chữ Hoa và Việt nên không khó để tìm ra quán lẩu kia. Xin lỗi phải trình bày qua một chút về đồ ăn bởi nó cũng khá đói rồi. Dễ dàng nhận ra lẩu Tứ Xuyên với chiếc nổi hai ngăn trên mặt bàn nhậu (phần lớn là như vậy, có loại tới chín ngăn) khá là giống với nồi lẩu Việt Nam nhưng có gợn sóng hình âm dương ở giữa chia đôi nồi lẩu làm hai phần, một bên nước dùng đỏ chót cay nóng còn bên kia nước dùng thường không cay để phù hợp khẩu vị từng người trên bàn hoặc trung hòa vị cay. Có lẽ bên này chuộng lẩu shabu (lẩu nhúng) Bắc Kinh với loại nồi ăn lẩu đặc thù như trong mấy bộ phim Hong Kong, vì đi đâu cũng thấy mấy bàn lẩu sủi bọt khói nghi ngút. Người Việt mình ăn cay không bằng người xứ lạnh, và ít thích ngồi đầu khói thành ra hay ngồi mấy quán lẩu Tứ Xuyên. Nó đã tìm thấy quán lẩu duy nhất theo chỉ dẫn, bên trong đìu hiu mấy cái bàn nhựa và chỉ có lèo tèo vài mống khách, nhìn thoáng qua không biết ai người Việt, ai người Hoa. Nó đánh liều đi một vòng qua từng bàn cố ý như tìm giấy ăn. Đến một bàn có hai người đàn ông dáng như dân lái xe, mặc bộ quần áo bộ đội rằn ri cũ thì có bàn tay giơ ra nắm vội lấy tay nó kéo lại. Nó cúi đầu toan mở miệng hỏi thì người kia lườm lườm nó nói khẽ
- Tìm công ty du lịch Hoàng gia phải không? tự nhiên ngồi xuống đi, đừng đi nữa. - Rồi người còn lại dùng tiếng Quảng gọi phục vụ thêm cái cốc và bát đũa cho nó.
Nó cẩn trọng kéo chiếc ghế đẩu ngồi xuống, toan mở miệng hỏi thì lại bị chặn họng lần hai. Người đàn ông đứng tuổi hơn mắng nó
- Mới sang thì đi cẩn thận, sao lại cứ lăng xăng chạy đi để mọi người lo. Rồi chú biết nói sao với mẹ cháu.
- Dạ.
Nó ngoan ngoãn nói như một đứa cháu biết lỗi giả bộ gật gật, có lẽ đã tạm tin tưởng được hai người này. Một người gắp miếng thịt dê to bản thái mỏng thả vào bát ông chú lớn khẽ nói "Cháu mời chú Bắc" rồi gắp một bò viên thả vào bát mình "A Sơn" sau đó gắp miếng đậu phụ đặt lên miệng bát nó hỏi cộc lốc "Ăn đi kin"
"Vâng"
Kin là tên ở nhà của nó ít người gọi, trừ khi quá thân thiết và cũng đã lâu không ai gọi nó như vậy, người đối diện ở đâu gợi cho nó cảm giác thân thuộc, cũng như ám hiệu để lấy lòng tin. Nó cố tỏ ra tự nhiên gắp đồ nhúng và ăn cũng khá nhiệt tình, phần vì ngon, phần vì đói và kiệt sức, vừa ăn vừa tu cốc bia ừng ực chống cay nhưng vẫn cảnh giác thi thoảng liếc mắt lên nhìn trộm một cái xem hai người này đã từng gặp qua chưa. Cái thứ lẩu này thật là dị thường, ăn vào được ba bát nước thì đổ tới bốn bát mồ hôi nhưng vẫn khiến con người ta thòm thèm muốn ăn mãi. Độ hơn nửa giờ quán vắng khách hẳn, hai người kia liếc dọc liếc ngang xem chừng không có ai theo dõi mới khe khẽ hỏi nó, tiếng nói thì thào thoát hơi nhưng không thoát âm cổ họng
- Cậu đến đây một mình chứ? Có ai biết không? - Người đàn ông già cất tiếng trước
- Cháu đi taxi, chưa ai biết cả.
- Chúng tôi được cử đưa cậu về trong đêm nay, để lâu sợ bất tiện.
- Dạ.
- Cậu có mang đồ theo không? - Người trẻ hơn tên Sơn dò hỏi
- Có cái điện thoại, ít giấy tờ với bộ quần áo thôi ạ. - Nó giở cái túi nilong đen ra giơ cho mọi người xem.
- Cậu thông cảm một chút, chúng tôi là người làm nghề có quy tắc riêng, đồ của cậu không thể mang theo được, nếu không phiền hãy dùng tạm quần áo của chúng tôi. Chỗ kia xin hãy bỏ hết đi.
- Dạ, xin nghe theo chú và anh. - Nó bắt đầu thấy đội này nói chuyện kiểu cách và có cái gì đó theo phép lễ nên cũng không dám nói trống không.
- Giờ ăn xong cậu ra bãi xe đợi chúng tôi, có thể mua ít thứ linh tinh trong chợ như khách du lịch, đừng mua đồ điện tử hay cái gì giá trị cao quá, cũng đừng mua dao hay vũ khí, đi đường bị hỏi rách việc lắm. Đúng 10h chúng ta đi.
Nói xong mấy người cười giả lả cụng ly, hai người kia còn dùng tiếng Quảng nói chuyện với nhau rồi cười đùa khá tự nhiên thêm một hồi nữa rồi đứng dậy thanh toán tiền rồi bắt tay tạm từ biệt nhau. Nó thong dong dạo bước một vòng quanh chợ, thực ra với tâm trạng của một người đang đi trốn nó chẳng muốn mua cái gì nhưng cũng đành ngắm nghía chút để đốt thời gian. Tất cả gian hàng bên này nếu có bảng giá đều in hai thứ tiếng và thương nhân bét nhất cũng nói được tiếng Việt bập bẹ nên không khó để mua đồ. Nó vừa đi vừa lục lại bọc nilong, rồi thả dần từng thứ một từ quần áo cho đến giầy tờ, điện thoại vào những thùng rác nó đi qua. Cho đến khi sờ vào cái thẻ ATM, cái tính bần cố nông của nó lại hơi nổi lên một chút, vất đi cả đống tiền này thật là lãng phí, nhưng mà để lại chắc gì thằng Khải đã biết mà đi rút như thế là có tội với tiền lắm chứ, mà mang theo cái này về Việt Nam khác nào lạy ông tôi ở bụi này, người ta sẽ từ chỗ nó rút tiền mà biết vị trí của mình. Thoáng chút suy nghĩ, nó tặc lưỡi đảo mắt quanh chợ tìm cây ATM rút sạch sành sanh được hơn một vạn tệ rồi phi nhanh vào một tiệm vàng làm ngay một dây chuyền vàng mấy chỉ dắt lưng. Chỗ tiền còn lại nó mua một đôi tất và một đôi giày mới kèm theo ít băng vệ sinh loại dày. Sau khi bỏ vàng vào dưới lớp lót giày, nó dán băng vệ sinh lên rồi thay tất và xỏ vào, hơi cộm một chút nhưng cảm giác khá an toàn. Giờ trên người ngoài ít tiền lẻ phòng thân ra thì chả còn gì đáng giá. Nó đi thêm vòng nữa đặt chút tiền lễ vào một miếu thờ Quan Công ven đường cầu cho vạn sự bình an. Quan Công là danh Tướng nhà Hán, nghe đồn hai cha con đều có đền thờ ở đây, từ một vị quan chức giờ chả hiểu sao giờ ổng lại thành thần hộ mạng cho dân xã hội đen, hình ảnh xuất hiện ở khắp nơi từ bàn làm việc tới miếu thờ cho đến tay, chân, lưng của các vị huynh đài chốn giang hồ, có điều còn phổ biến hơn nhiều vị thần, phật.
Đến giờ đã hẹn nó gặp ông chú Bắc và A Sơn ngoài bãi xe rồi cả ba leo lên một con ChengLong 17 tấn biển Trung Quốc, xe nổ máy ruỳnh ruỳnh rồi chạy khỏi bãi. Nó được xếp ngồi ngoài cùng, trên xe vương vãi các loại vỏ bò húc lẫn bao thuốc lá, nghe đồn cánh lái xe uống cái này thay nước lọc vì căng thẳng và cần tỉnh táo. Nó nghe tường thuật qua về đoạn đường sẽ đi, chỉ sáng ngày mai sẽ vòng về phía cửa khẩu Bắc Luân để về Việt Nam tính ra chưa tới 190km nhưng đường cái lại cứ bám theo biên giới vòng vèo nên nếu đi nhanh cũng phải 5, 6h đồng hồ. A Sơn lái xe, bảo nó và chú Bắc cứ ngủ không cần đổi lái. Nó cũng huyên thuyên nói chuyện vài câu xã giao rồi chìm nghỉm vào giấc ngủ lúc nào chẳng hay, ngày hôm nay thật sự đã quá mệt mỏi, nó cảm tưởng dài như cả cuộc đời nó từ khi sinh ra đến giờ cộng lại.
Khoảng 3h sáng xe dừng chân ở một đoạn đường cao tốc, ông chú già thúc nách nó dậy rồi kéo xuống xe đưa cho mỗi người một lon bò húc. Nó cũng là thằng nghiện nên chẳng ngại gì làm một hơi ừng ực hết nửa lon, hai người kia lại xổ một tràng tiếng chẳng rõ Thổ, Hoa khiến nó chẳng hiểu gì, lúc sau A Sơn mở thùng xe cùng ông chú bốc xuống hai thùng hàng ném phịch xuống đất rồi ông chú leo lên xe nổ máy đi mất dạng trước sự ngơ ngác của nó. A Sơn vỗ vai nó động viên,
- Còn 15km nữa là sang tới biên giới rồi, cửa khẩu 7h làm việc tới 20h hai đứa mình đi đường chó chui nên phải sớm hơn.
Nó rồi hắn xốc một thùng lên vai và ra hiệu cho nó làm theo, nó cũng lại gần cố hết sức vác cái thùng lên, bên ngoài là lớp vỏ các tông bọc bao bố xanh thẫm. Trời ạ, nó thấy cái bao nặng chết mẹ luôn, nhẹ nhàng cũng phải 50kg, sức nó có phải trâu bò đâu mà tải được đi đoạn đường 15km. Ban đầu còn sĩ diện nó cố gắng đi theo nhưng độ khoảng hơn trăm mét nó thấy bên vai đau buốt như thể bị tra tấn, bắt đầu sắp mất dần cảm giác, nó toan hạ xuống để đổi vai nhưng ai dè khi đặt xuống rồi thì không tài nào nhấc lên được nữa. A Sơn thấy nó nhăn nhó như khỉ phải ớt thì đặt hàng xuống cười trừ ra điều thông cảm. Nó thở phì phò, lắc lắc bả vai than thơ
- Nặng lắm anh ạ, tay em hồi bé gẫy nhiều thành qua không quen mang vác nặng
- Ây, thế phải bỏ bớt hàng ra thôi, trai thành phố yếu quá, dưới này con gái nó còn khỏe hơn Kin.
Nói rồi ông ấy rút con dao găm ra xẻ một đường dài rồi vất bớt hàng bên trong vào một bụi rậm ven đường. Cách dân buôn lậu bố trí hàng cũng khá khéo, một lớp vỏ hộp xanh xanh hồng hồng ở trên nhưng ở dạng chưa gấp hộp chỉ như mấy tờ giấy bìa cứng, bên trong là mấy học nilon phụ kiện đè lên lớp đáy cũng là một lớp vỏ hộp khác hoặc sách hướng dẫn vì thường món đồ có hai, ba lớp vỏ. Còn ruột hàng thì không thấy đâu, có lẽ đi theo đường khác. Cách chuyển hàng này cực an toàn, bởi lẽ ruột là thứ giá trị nhất nhưng lại có thể tích nhỏ nhất. Nếu như được đóng nguyên hộp như ở ngoài chợ chắc một thùng này chỉ vẻn vẹn có hơn chục món hàng là cùng, nhưng nếu tách ra thế này một thùng trót lọt mang về đem đóng lại phải là vài trăm món. Ví thử như 1000 con điện thoại tàu nếu để nguyên hộp mang về thì phải một oto tải chở mới hết vì thể tích quá to, nhưng nếu phân ra vỏ hộp riêng để ở dạng bẹp chưa thành hình hộp, phụ kiện riêng, điện thoại riêng thì chỉ hai, ba cửu vạn là mang được vì phần thể tích trống đã bị loại bỏ hết. Nó thấy A Sơn bỏ hết đống vỏ trắng đi, rồi bỏ thêm vài cái vỏ ngoài hồng hồng nữa, nó nhặt một cái vỏ lên trố mắt nhìn, toàn là sextoy, bị biên phòng bắt cái này thì cũng khá nhục đấy, ông ấy thấy vậy cười cười
- Mấy cái này bán được giá lắm mà bị bắt thì hay được cho qua vì cán bộ không ai dùng được.
- Vất đi thế này có sao không anh?
- Không vất Kin mang sao được. Nhưng mà nhẹ bớt thì cũng phải 20kg đấy, thôi chịu khó chút đi. Mấy cái vỏ hộp này bình thường toàn đặt in bên mình thôi, nhưng chuyến này đi buôn chỉ là phụ.
Nó không ngạc nhiên khi ông ấy nói vậy, ở đây có một món hàng chính quan trọng hơn và giá trị hơn nhiều, chính là nó. Tuồn được món hàng này đúng nơi cần đến, bất kể bên nào lợi lộc đâu phải là ít.
- Thôi, cố lên vừa đi vừa nghỉ tới cửa khẩu cũng phải 5h, trời còn tờ mờ, muộn hơn là khó lắm.
- Vâng.
Nó hít một hơi ra sức xốc thùng hàng lên lưng bắt chước động tác ôm hàng của A Sơn như kiểu cõng em bé, đầu cúi xuống khá thấp, quả là có đở hơn thật vì lực phân tán đều trên lưc. Hai người lẳng lặng bước đi trong ánh sáng nhập nhòa.
Trời mùa đông nhưng mồ hôi nó vã ra như tắm và thấm lạnh buốt vai áo, sức nó về sau cứ đuối dần đuối dần, đầu tiên thì còn mấy nghìn bước nghỉ xốc lưng một lần, về sau chỉ còn mấy trăm bước, rồi mấy chục bước. Quãng đường 15 cây số mà dài vô tận như đi Tây Thiên thỉnh kinh. Nếu không phải khi gần bỏ cuộc thì thấp thoáng đằng xa đã là cửa khẩu Bắc Luân động viên nó tiến tới thì hẳn là nó sẽ đi Tây Thiên thật. A Sơn không dẫn nó thẳng vào khu phố chính ở quan ải mà vòng vòng đường mòn men theo bờ tường, đi độ vài trăm mét thì gặp một cửa khẩu nhỏ hơn, đúng kiểu dạng chó chui nhưng to hơn chút để người cúi đầu có thể qua được. Một ông sĩ quan bồng súng ngồi gật gù ở đó, nhìn sắc phục và hướng quay lưng là rõ người Trung Quốc rành rành. A Sơn đằng hắng đánh tiếng rồi chào bằng tiếng quan thoại, hai người thì thầm gì đó lúc lâu, thấy A Sơn chỉ vào kí hiệu tam giác có chữ H bên trong rồi nói nói, người sĩ quan kia gật gật rồi quay sang nhìn nó rồi lại hỏi
- Lính lác mới à?
- Mới đấy, nhưng yếu lắm, bằng nửa lính thường thôi
- Hôm nay thồ cái gì thế?
- Hàng bẩn ý mà, đồng chỉ không dùng được đâu.
Hai ông ấy cùng bật cười ha hả như hiểu ý nhau lắm, chẳng khám xét gì, chắc hẳn họ chỉ chào nhau cho có lệ đây chẳng phải lần đâu, ông sĩ quan ra hiệu cho chúng nó qua cửa. Nó mừng húm, bao nhiêu mệt mỏi như tan biến sạch, bên kia là đất mẹ rồi, dù mới xa có chưa đầy một ngày mà nhớ biết bao nhiêu. Nó vội vàng bước như thể chỉ vác trên vai một bịch bông nhẹ. Chẳng dè, không biết tại khuôn mặt hay dáng đi của nó tố cáo bản thân mà khi A Sơn bước qua rồi đến lượt nó đi ngang qua mặt ông ý thì bất ngờ một gậy vụt thẳng vào bàn chân phải của nó khiến nó ngã sấp mặt xuống đất, hàng họ lăn lóc trên mặt đất. Ông sĩ quan đứng bật dậy mặt đỏ gay quát lớn
- Có gì trong giày, bỏ ra ngay. Đừng hòng qua mắt.
Nó bàng hoàng nhìn A Sơn cầu cứu, chợt nhớ tới chân mình giờ đây đã phồng rộp bọng nước, vừa đau bỏng rát vì ma sát với sợi dây chuyền, chẳng qua vì nó cố sức quá mà tạm quên đi. Thôi thế là hỏng, nếu có chuyện gì bị mang về đồn, rồi đối chiếu giấy tờ rắc rối e rằng nó lành ít dữ nhiều. Bao nhiêu công lao đến được đây chỉ là công cốc mà còn phụ lòng bao nhiêu người vì cái tính bủn xỉn ti tiện tham lam của mình.
BÌNH LUẬN VỀ TRUYỆN