Chọn chế độ đọc: Sáng - Tối
Chap 9: Toan tính
Thời gian đầu của những quãng ngày tạm giam là thời gian người ta lôi nghi phạm đi lấy cung nhiều nhất thì nó lại bị bỏ mặc nơi đây một mình, nó tưởng tượng ra ở ngoài kia những con người mặc bộ sắc phục xanh đang chạy đôn chạy đáo lên tìm thêm manh mối, vụ án từ đánh bạc đã chuyển sang chuyên án ma túy, sẽ có nhiều người tham gia điều tra hơn, sẽ có nhiều đứa bị khai cung và truy lùng hơn, những người chống lưng cho nó có thể đang phát sốt lên vì sợ bị chạm tới và dĩ nhiên cái án của nó cũng nặng hơn. Có những lúc nó bật khóc khi nghĩ đến cuộc sống bên ngoài bờ tưởng này, lần trước ra ngoài nó biết sau bức tường trại giam kia là cuộc sống tự do, là một con đường dẫn từ chợ vào bản của người Nùng, trong ấy vẫn còn mấy mái nhà sàn cổ, thi thoảng nó vẫn còn nghe tiếng mấy bà mẹ dân tộc gùi măng đi chợ sớm.Nói đến mẹ nó mới nhớ tầm này nếu ở nhà có thể nó đang đèo mẹ lên Bạch Mai mua cháo cho con Vịt, con bé ấy đi mẫu giáo rồi mà vẫn chưa biết ăn cơm, nó nhớ đến mùi cháo thơm phưng phức xộc lên mũi cay khè hai khóe mắt, liệu mẹ nó và chị đã biết tin nó bị bắt chưa? Mẹ nó lại một lần nữa phải đau đầu vì thằng con bất hiếu này, liệu mẹ có tin là nó bị oan không hay lại dằn vặt vì để nó ra ngoài? Có lần nó nhớ mẹ hỏi đùa "Mày buôn ma túy à mà biếu mẹ lắm tiền thế?", mà nó chỉ cười trừ thôi, giá khi ấy nó hứa, nó thề với mẹ là mẹ ơi, con mẹ không bao giờ buôn ma túy hết, con mẹ dù có làm gì cũng chỉ làm để sống chứ không làm để chết, con vẫn nhớ lời lão Răng vàng nói mà mẹ, thì có thể lúc nghe tin này mẹ nó sẽ bình tĩnh hơn biết bao nhiêu. Nhưng nó biết tính mẹ nó, không biết ngoài kia nhà nó đang loạn như cào cào thế nào nhưng chắc chắn dù chỉ có một tia hy vọng, phải bán nhà đi ăn xin mẹ cũng chạy tội cho nó bằng được, như thế đâu phải là hay, nó lại chỉ làm cho mọi người gánh thêm nhiều nỗi khổ hơn mà thôi. Nó còn chưa có cháu cho mẹ bế, nó còn chưa đưa cả nhà đi du lịch được vì quá bận, nó còn chưa kiếm được cho mẹ một bà dân tộc nhà quê thật thà xuống làm người giúp việc để mẹ đỡ phải chạy đi chạy lại hết bếp núc lại nhà cửa, con cháu. Nó hứa quá nhiều mà ngẫm lại chưa làm được gì, nó thương mình rồi lại thương mẹ, hẳn mẹ nó và bố ngày xưa cũng ngang dọc một thời oanh liệt mà giờ phải một mình nơi xó bếp khi sa cơ thất thế. Nó cũng từng nghĩ vì thế mà nó mới phải ra đi, nó cũng vì nhà mình chứ đâu riêng gì bản thân tham lam mà sa vào con đường này.
Hơn 3 ngày, nó thức trắng ngồi như một bức tượng nhìn vào cõi vô hình trước mặt, nếu có một tấm gương chắc nó không nhận ra nổi mình trong đó, có thể mắt đã thâm quầng nhiều, có thể đầu đã có sợi tóc bạc. Ngủ sao được khi mà ngước nhìn lên trần nhà là biết bao chiếc thòng lọng chỉ chực rơi xuống thắt vào cổ mình, ăn sao nổi khi cứ ngậm ngùi nghĩ đây là bữa ăn cuối cùng khi ra pháp trường. Dĩ nhiên đó chỉ là cảm giác, nếu nó có bị kết án tử hình thì thời gian từ lúc lĩnh án đến khi ra pháp trường cũng phải rơi vào vài năm, cái chết sẽ đến bất thình lình và bất ngờ, quãng thời gian đó là quãng thời gian hành hạ cả về thể xác và tâm hồn người tù, cũng như nó giờ đang nếm trải. Chưa bao giờ nó nghĩ mình lại bước một bước dài và xa đến thế quãng đường đời này để rồi bị hụt một bước quá sâu. Khoảng 8kg bạch phiến, dù nó có cãi cố là mình chỉ cầm hộ, mình không biết trong đó có gì thì đối với pháp luật nó vẫn là đứa có tội, nhất là khi mọi bằng chứng đều đang chống lại nó, từ bộ giấy tờ, dấu vân tay, chỗ ở đến hồ sơ vụ án kia đều kết luận nó vài cái két sắt kia liên quan đến nhau. Đối với ma túy không hề có chuyện cầm nhầm. Nó quay sang trách móc thằng Khải, căm hận thằng ấy, trách móc bản thân vì một phút bất cẩn rồi cuối cùng lại trách móc cuộc đời.
Cứ đến giờ một ông quản giáo lại thảy vào phòng nó một suất cơm, nó nghe tiếng đít bát sắt trượt dài trên sàn nhà mà thấy ghê răng. Mấy ngày đầu thi thoảng nó còn thấy cồn cào khó chịu, nhưng đến ngày thứ hai, thứ ba khi cơ thể đã quen và bắt đầu đốt mỡ dự trữ thì nó thấy cũng bình thường, nó không còn chống đối nữa, đơn giản vì nó không nuốt được, thi thoảng nó chỉ cầm cốc nước nhấm nháp từng ngụm chậm chạp mà thôi. Hôm nay cũng vẫn là mấy tiếng gõ dùi cui vào cửa "keng... Keng... Keng... " nhưng có phần nhẹ hơn mọi lần, rồi tiếng vị công an viên khàn đục khác hẳn mọi khi nói vọng vào
- Không ăn thì cũng nhìn qua thức ăn một chút xem có ngon không, phí công người mang cơm.
- Vâng thưa cán bộ. - Nó đáp lại, ở đây dù thế nào cũng không nên im lặng khi được cán bộ hỏi, nhất là nó có phần ngạc nhiên, hình như đây là người khác, nghe giọng có vẻ không giống mọi khi, thân thiện hơn, nó cũng nên đáp trả lại sự tử tế bằng một sự tử tế thay vì một gáo nước lạnh.
Đêm ở rừng thì rất lạnh và trong phòng thì rất tối, trừ những đêm trăng sáng qua ô thoáng thì nguồn sáng duy nhất ở đây là những lỗ thủng trên cửa rọi ánh đèn hành lang vào. Nó mỏi nên đổi tư thế ngồi dựa lưng vào tường nhìn về phía cửa, và quấn cái màn tuyn màu nâu đất cho đỡ lạnh, mấy hôm nay nó ho sù sụ, chắc do nhiễm lạnh. Cái phản nó ngồi là phản xi măng gạch, được láng xi măng khéo và lưng người mài bóng loáng. Nó ngồi cả đêm ít dám di chuyển mông vì sợ lạnh, chỉ cần nhếch mông khỏi vị trí là thấy buốt chứ chưa nói đứng dậy đi vệ sinh vài chục giây quay lại chỗ đã lạnh ngắt như tay người chết trôi sông, nếu đặt lưng xuống mà không có lót cái mền thì chắc dăm bữa nữa tháng dính bệnh phổi chắc. Nó từng nghe huyền thoại về tấm phản này đã lâu, những người bị bắt nằm sấp úp ngực xuống phản ăn đòn mà ra tù đến chục năm cũng chẳng thoát được bệnh phổi. Nó vào đây với hai bàn tay trắng chưa người tiếp tế thành ra vẫn mặc nguyên bộ quần áo cũ, may là hôm ấy nó đi dạo đêm thành ra cái áo gió đang mặc cũng tạm ấm, trời thì lạnh khiến nó không đổ mồ hôi nên cũng không bốc mùi lắm, nhưng cái lạnh của nền xi măng thì chắc chỉ chịu thua đệm mút. Mông nó dầy như vậy mà thấy xương còn buôn buốt nói gì cái bộ quần áo này, tạng người yếu như nó sợ rồi cũng dính đòn, chỉ là sớm hay muộn thôi.
Nó hết nhìn trần nhà lại nhìn mấy ô thủng con con trên cửa rồi lại nhìn suất cơm của mình trên sàn, ông công an lúc tối có hé cửa ra sờ vào đó rồi lại đặt lại chỗ cũ chứ không bỏ ra ngoài như mọi khi đáng lẽ phải làm, hình như ông ấy có loáng thoáng nhắc nó chú ý cái bát cơm, chắc nghĩ đêm nó đói có thể sẽ đụng miệng đến chăng? Cái ông này chắc mới chuyển công tác nên vẫn còn động lòng trắc ẩn và thể hiện sự quan tâm, ân cần của một người bình thường, như mấy vị trước thì chắc đã quen và chai sạn với cảnh bỏ bữa này rồi, dẫu sao đó cũng là cái tình người còn sót lại khiến nó ấm lòng trong đêm giá rét dù rằng giờ nó khẳng định bát cơm ấy cũng lạnh ngắt như tấm phản nó đang ngồi. Hoặc cũng có thế thực tế hơn, ngoài kia người ta đang nghĩ nó tuyệt thực nhưng vì bận bịu quá mà chưa ai sờ đến nó thôi.
Bất ngờ nó thấy cả căn phòng rực ánh sáng xanh lét nhấp nháy, thoạt đầu nó nghĩ mình hoa mắt, chẳng lẽ chốn này có hồn ma u uất nào rảnh hơi ra chơi với nó? Thực ra ánh sáng không phải mạnh lắm đến độ rực lên nhưng vì mắt nó đã quen với bóng tối thành ra lại nhạy cảm với bất kì nguồn sáng nào dù là yếu ớt, nó dụi mắt mấy lần mới thấy ánh sáng phát ra từ bát cơm của mình rồi vội vàng bật dậy nhưng nhẹ nhàng như một con thú rừng chuẩn bị đi săn mồi. Nó cẩn thận ghé mắt nhìn qua mấy ô thoáng nhỏ như đầu đũa xem xét bên ngoài rồi thọc ngón tay vào bát cơm sục mạnh xuống dưới, dưới đáy bát là một con nokia đen trắng được bọc trong một lớp màng gói thức ăn đanh nhấp nháy cuộc gọi đến.
Nó vội bốc máy lên khe khẽ nói
- Alo
- Alo- Đầu dây bên kia cũng có tiếng đàn ông khe khẽ- Cậu út vẫn khỏe chứ
- Ai vậy? - Nó ngạc nhiên, cậu út, cô cả là tiếng mẹ nó vẫn hay gọi hai chị em nó hồi bé
- Yên tâm, tôi là người nhà, bà nhà biết tin rồi bảo tôi vào chăm sóc cậu.
- Ông là người đưa tôi bát cơm
- Vâng.
Bỗng có tiếng dùi cui gõ rầm rầm vào cửa phòng nó, giọng đàn ông khàn khàn vang lên cả ngoài cửa lẫn trong điện thoại biểu thị rằng đó chỉ là một người
- Phòng 205 đi ngủ đi, không nói chuyện nữa
Tiếng vài phòng xung quanh làu bàu chửi rủa, chắc hẳn nó nói to quá phá giấc ngủ của mọi người, hoặc người kia cảm thấy nói chuyện như thế bị lộ nên ra tiếng nhắc nhở nó, nó định trùm kín màn nói nhỏ thêm chút thì thấy cuộc gọi đã kết thúc rồi, điện thoại nháy màn hình nhẹ mấy cái thì nó mở ra một tin nhắn
"cậu nói to quá, ở đây có người, tiếng vọng ra ngoài này, nhắn tin thôi"
Nó sực tỉnh, đúng là nhiều phòng giam từ thời xưa được thiết kế sao cho tiếng động dù nhỏ nhất bên trong cũng vang hết ra ngoài hành lang đến chỗ người canh, đề phòng nghi phạm đánh nhau, cưa chấn song hay để nghe lén cuộc nói chuyện. Nó cũng không học kiến trúc thành ra không biết kiểu thiết kế ấy là kiểu gì nhưng đúng là cần bịt miệng lại, thảo nào cái điện thoại này đã bị cắt cả loa ngoài lẫn con rung nhằm hạn chế tiếng độ do nó gây ra. Nó vội nhắn tin lại cho người kia
"mẹ tôi biêt chuyện khi nào, người ta đã báo về địa phương rồi à?"
"Hiện tại vẫn đang vây bắt đối tượng thành ra chưa ai bị báo về địa phương hết, Ông Đức báo cho mẹ cậu, hiện mẹ cậu đang lo liệu rồi, bảo cậu cứ yên tâm. Còn riêng cậu thì bên C45 đang liên hệ với C47 để tìm ra nguồn gốc chỗ hàng kia, bên công an đang làm xét nghiệm nếu tất cả là tiền chất ma túy hoặc ma túy tinh chế tội của cậu rất to"
Nó giật mình, không thể nào, có gì đó không ổn. Sự xuất hiện của vị công an kia quá đường đột, cách nói chuyện với nó có một vẻ gì đó rất kính cẩn thiếu tự nhiên, có khi nào đây là gián điệp công an giả vờ cài vào để moi thông tin của nó không. Nó định nhắn lại vài câu thanh minh rằng mình bị oan nhưng rồi quyết định phải hỏi dò thêm vài câu để biết chính xác câu chuyện, nhất là mọi chuyện đang xảy ra bên ngoài, còn hơn là một mình chết vì thiếu hiểu biết.
"Tôi không biết ông Đức nào cả, tôi bị oan, cái vali đó tôi chỉ xách hộ vào nhà thôi rồi tôi đi ngay"
"Người ta đã tìm thấy rất nhiều dấu vân tay trên đó, trong đó có của cậu nhưng rất ít, nhưng cậu là manh mối duy nhất thành ra vụ này rất khó cho cậu, cậu chắc cũng biết, án ma túy cầm nhầm cũng có thể bị xử khung cao nhất"
"Tôi biết, người ta đã xét nghiệm chưa, có thể bên trong không phải ma túy?"
"đã đưa đi xét nghiệm nhưng tôi chưa thấy ai nói gì về kết quả, đây là án của bộ, hồ sơ chúng tôi không được tiếp cận nhưng tôi nghĩ bên trong chắc chắn có ma túy vì chó nghiệp vụ của đội ma túy công an huyện phát hiện ra cái hầm chứa két sắt ấy. Chỉ có điều vẫn hy vọng vào hàm lượng và có manh mối khác. Nếu đó là ma túy nguyên chất thì đây là án lớn ảnh hưởng tới rất nhiều người, nhất là mấy cơ quan chức năng của huyện và tỉnh"
"Tôi hoàn toàn không biết gì cả, hôm ấy tôi không có ở đấy, tôi thề độc"- Nó đúng là không có ở đấy thật, nó có thói quen là phải cầm được nửa sự thật mới dám đặt mồm thề độc.
"Tôi tin cậu, bà cũng bảo thế nhưng hoàn cảnh cậu giờ rất khó, bà bảo cậu giữ sức khỏe và không được tuyệt vọng, bà sẽ cố, tôi chỉ nói vậy thôi, cái điện thoại cậu tí cho lại vào tô cơm để tôi mang đi hủy, cậu có cần gì thì bảo để tôi giúp"
"cho tôi một cái chăn và bộ quần áo được không? Tôi lạnh, tôi muốn xin một điếu thuốc và... Chai sting"
"được, cái đó mai sẽ có người mang vào cho cậu, giờ tôi phải tắt máy đây, cậu ngủ đi, phải bình tĩnh"
Nó thở dài thườn thượt, vậy là mọi chuyện diễn biến đúng như nó nghĩ. Tất cả đều bất lợi cho nó, kể cả người vừa nhắn tin cũng chưa lấy gì làm chắc chắn sẽ đứng vê phía nó cả. Nó biết cuộc điện thoại và mấy dòng tin nhắn vừa rồi không thể được đem ra làm bằng chứng nhưng cũng có thể là đòn khai thác thông tin của bên công an, nếu nó ngây thơ dấn sâu vào thì sớm muộn cũng để lộ ra khe hở cho người ta bám vào. Không viết cuộc điện thoại vừa rồi đã bị ghi âm lại chưa, nhưng nó vội vàng xóa hết tin nhắn, tháo sim khỏi điện thoại đem giấu đi, còn riêng phần vỏ và phím nó lót tay bằng nilong đem một miếng thịt mỡ lau kĩ rồi mài tất cả vào thành phản chỗ được trám xi măng gồ ghề đến mức xước trắng cả lên rồi lại cẩn thận dùng thịt mỡ lau đi lau lại. Nó phải đảm bảo không ai có bằng chứng kết luận là nó từng sờ tay vào cái đt ấy, dù về sau này nó thấy công việc của mình rõ dở hơi, nực cười và thừa thãi. Xong việc nó mới cho cái điện thoại vào bát cơm vùi cơm lại cẩn thận rồi ngủ gục lúc nào chẳng hay. Mãi đến khi gà quanh đó thi nhau gáy rồi tiếng gậy gõ lục cục đánh thức phạm khắp các phòng giam vang lên, cửa phòng nó bỗng bật mở "ketttttttttt... " nó dụi dụi đôi mắt nhìn ra ngoài thấy có người đàn ông ôm một bao dứa to tướng bước vào, tiếng công an viên đứng đằng sau văng vẳng trong phòng
- 205 đón người mới, sống vui vẻ đoàn kết không xích mích nhé.
Rồi tiếng cửa lại đóng sầm lại sau lưng, người kia nhìn nó nhoẻn miệng cười méo mó
- Chào cậu. Tôi đến giao sting đây.
BÌNH LUẬN VỀ TRUYỆN