Chọn chế độ đọc: Sáng - Tối
Chap 3: Tin mừng ???
Trằn trọc và lăn lộn mãi nó hết lăn bên trái rồi lại bên phải, thay gối cao rồi lại gối thấp, đắp kín chăn rồi lại hở chăn... Rồi vẫn cảm thấy bức bối khó chịu. Sau không biết bao nhiêu lần sờ vào cái điện thoại nhìn xem mấy giờ. Nó cố nhắm mắt ngủ, mong cho đêm qua thật nhanh, nhưng không thể. Cuối cùng, không thể chịu đựng được thêm, nó quyết định dậy bật máy tính nghịch nghịch chút.Giờ là 2h sáng, cũng không phải đã quá muộn, game thì nó không biết chơi, bạn bè của nó không có nhiều, và nếu có thì chúng nó giờ này cũng chẳng onl. Lần sờ qua mấy diễn đàn mạng xem chửi nhau, mấy trang truyện nhảm và báo lá cải chán chê chẳng buồn ngủ, nó lại ôm lấy cái điện thoại. Nó muốn lấy máy gọi cho "ai đó" nhưng lại sợ người ta mất ngủ. Mà thật ra người ấy cũng chẳng giúp được gì cho nó nhiều, ngoài những câu động viên an ủi mà nó đã thuộc lòng thì có lẽ những điều nó nói chỉ khiến người ta lo lắng cho nó thêm. Số tiền kia với nhà nó không phải nhỏ, nhưng nếu nói lớn thì cũng không phải quá lớn để mua lấy sự bình yên. Nhưng lấy gì chắc chắn, lấy gì đảm bảo là mọi chuyện sẽ êm đẹp, sẽ ko có lần thứ 2? Đồng tiền bỏ ra ai chẳng xót, đột nhiên đội nón ra đi một cách vô lý, không uất mới là lạ. Nó hận lão Hải, sắp dựa cột rồi vẫn cố tìm một cửa để dìm nhà nó. Hận thằng con ất ơ giời ơi đất hỡi của lão tự dưng ở đâu hiện hồn về. Nó thở dài thườn thượt, giá như có ai khác ngoài gia đình nó và điếu thuốc này có thể lắng nghe nó, chỉ lắng nghe thôi và đừng nói gì cả. Ngày xưa thì có ai đó đấy, nhưng giờ, nó cảm thấy càng gần nhau thì cái khoảng cách vô hình giữa hai đứa lại càng dầy lên và cứng hơn. Không còn thoải mái, ko còn vô tư như ngày xưa, có những thứ giờ rất câu nệ và khách sáo thậm chí đôi khi còn xa lạ.
Thậm chí nó còn xa lạ với cả chính mình khi nhìn lại quãng thời gian gần đây, có những thứ nó không quen nhưng phải chấp nhận, có những thứ nó muốn nhưng phải tập quên, có những cảm xúc đôi khi nó không được bộc lộ. Nó vẫn nóng nảy, cục tính nhưng suy tư hơn ngày trước nhiều. Có người gọi đó là trưởng thành, có người bảo đó là dấu hiệu tuổi già, chín chắn, biết suy nghĩ là cái tốt nhưng với nó tất cả là một cục u lớn cần cắt bỏ... Cứ thế nó miên man với dòng suy nghĩ của mình, đốt tất cả bằng bao man trắng và cuốn trôi đi bằng cốc café đen đặc suốt đêm tới khi trời hửng nắng. Lần đầu tiên trong suốt ngần ấy năm, nó lên mở cửa ban công và hít một hơi thật sâu... Hương bình minh, không có lẽ như thế là quá lãng mạn, gọi cái thứ nó vừa hít thở chỉ đơn giản là không khí Hà Nội buổi sáng sớm, mát, trong lành và có gì đó tĩnh lặng khiến lòng người bình tâm.
Nhà nó vẫn vậy, phòng khách vẫn là nơi tập trung chủ yếu của cả nhà. Nó lọ mọ xuống nhà ngồi đọc báo từ sớm. Một lúc sau thì thấy chị lịch kịch đi xuống theo mắt mũi thâm quầng và hoe đỏ.
- Sao rồi chị?
- Sao là sao? Mở cửa lên, tối tăm như hũ nút thế này? - Chị nói bằng thứ giọng mệt mỏi bơ phờ.
- Anh Bình bảo là kín cửa cao tầng.
- Mày lo hão, nhà mặt đường thế này đứa nào dám. Tối tăm kín mít thế này chết mới không có chỗ chạy ý.
Tiếng tít tít vang lên, kèm sau đó là tiếng lạch tạch của cửa cuốn. Những tia sáng nhỏ li ti chiếu xiên vào nhà nhìn thấy cả những hạt bụi nhỏ bay trong không khí... Ngoài đường dòng người đi lại đã tất nập hơn, sáng sớm khu phố nhà nó khá ầm ĩ, chính lúc này sự ồn ào và đông đúc lại khiến nó yên tâm
- Mẹ tính sao? Gọi chú B chưa? Gọi ông Cần chưa.
- Không biết, thấy đêm qua cứ ậm ừ điện thoại trong phòng. Chú B thì tao sợ chả lo được gì đâu, chú ấy nốt năm nay có lẽ hạ cánh an toàn rồi. Còn lão Cần, chắc chả nhờ vả gì được. Tao nghĩ thế.
- Mẹ kiếp. - Nó hậm hực văng tục- 1 tỷ, nó nghĩ nhà mình đào được tiền ở hố xí lên chắc? Nhà ông Dũng nhanh chân chạy bố nó rồi, giờ chắc đang vi vu bên Sing, còn mỗi nhà mình chịu trận.
Chị không nói gì, nó và chị vẫn mong chờ ở mẹ. Nó - Một đứa chỉ nhen nhóm trong đầu mong muốn chém giết cho hả giận (nếu như giết người mà không bị đi tù thì nó dám chắc giờ này nó dám xách dao lên và đi lắm- ấy là nó nghĩ thế) còn chị - Giờ nhát hơn cáy ngày chỉ có khóc và than thở là giỏi.
- Ăn sáng chưa?
Mẹ bế con bé Vịt bước xuống cầu thang, con bé được mặc bộ váy xúng xính xinh như mọi hôm, nó chưa hết ngạc nhiên thì mẹ đã nói tiếp
- Gọi taxi đưa cái vịt đi nhà trẻ đi rồi mua đồ ăn sáng về đây.
- Anh Bình bảo là để nó ở nhà con trông cũng được ạ. - Chị lí nhí.
- Ai trông, tí cả nhà phải lên phường hết, ai trông nó. Nhanh lên. Không hỏi nhiều. Tý thằng công an khu vực nó đến bây giờ đấy.
Nhắc đến công an nó lại váng hết cả đầu chẳng hiểu vì sao nhưng vẫn lặng lẽ làm theo ý mẹ. Ý mẹ giờ là ý giời, là chỗ dựa duy nhất của nhà nó trong lúc này nếu mẹ nói làm được thì nhất định là phải làm.
Độ khoảng gần tiếng sau, nó lếch thếch xách một túi bánh cuốn chả về nhà đã thấy ông công an khu vực ngồi đấy, bạn học chị Linh ngày xưa, nó không lạ gì. Chắc mới lên thay thằng hôm trước định qua hốt xe của nó, giờ bố trẻ đấy làm phó phường. Nó lẩm nhẩm trong đầu "cũng cùng một ruộc cả thôi"
- Đây cả em cũng về cả rồi, hay cả nhà mình lên phường lấy lời khai luôn ạ?
- Cái gì mà lấy lời khai, lại có chuyện gì thế? - Nó càu nhàu.
- Cái thằng mà hôm trước tới nhà em ý, nó chết rồi.
- Cái gì? Sao chết? Chết ở đâu? - Nó hoảng hốt đánh rơi toẹt bọc nước mắm hành tỏi xuống nhà. Rồi đánh mắt sang nhìn chị, cái mặt đần thối của chị cộng thêm thái độ của mẹ đủ khiến nó hiểu rằng nó là đứa cuối cùng ở cái nhà này biết chuyện. Nó với tay lấy cuộn giấy vệ sinh thấm cái vũng nước bốc khói nghi ngút thơm lừng miệng phân bua- Cơ mà em chẳng biết cái gì đâu nhé, hôm qua cả nhà em ở nhà cả tối, có cả nhà em làm chứng cho nhau nhé.
- Ai bảo gì đâu mà đã khai- Ông công an cười- Nhưng mà nó vừa từ trại thanh hóa xuống lại qua nhà mình luôn, chỉ có duy nhất nhà mình tiếp xúc với nó. Gọi là qua hoàn thiện hồ sơ thôi mà. Chứ khám nghiệm xong xuôi hết rồi.
- Sao nó chết hả anh? - Nó đổi giọng nhanh như trở bàn tay quay sang xun xoe, an hem ngọt xớt.
- Sốc thuốc, khám nghiệm ban đầu là như thế. Không có dấu vết người bên ngoài. Nó chết ở gầm cầu ngay trên địa bàn phường mình, Thế mới đau đầu chứ.
- Thôi cháu cứ về đi, chút nữa nhà cô sẽ lên. Giờ cũng mới bắt đầu làm việc thôi. Nhà cô cũng chưa ăn uống gì. - Mẹ nói- Chắc cháu mới từ nhà qua đây luôn phải không?
- Vâng, cô nhanh nhanh chóng chóng hộ cháu với nhé. Thực ra theo đúng trình tự thì phải có giấy triệu tập cháu mới đến đây, nhưng đằng nào cô cũng biết rồi, cháu đến mời trước. Bọn cháu dính quả này đen quá, lại sắp tới ngày thành lập ngành.
- Cô hiểu. À này- Mẹ gọi giật lại khi thấy ông công an toan đóng sổ đứng dậy. - Cháu cầm lấy, tí chút gọi là...
- Thôi cô ơi, chỗ người nhà...
- Gớm, người nhà thì mới có chứ. Lần sau có gì cô còn nhờ cháu nhiều.
Hai bên đùn đẩy mãi cuối cùng mẹ cũng nhét được cái phong bì mỏng vào cuốn sổ da đen rồi đủn anh công an ra cổng.
- Mẹ đưa làm gì? Chắc gì người ta đã thích– Nó làu bàu.
- Không phải việc của mày.
- Cứ ép nó nhận rồi sau lại chửi bị hạnh họe xin xỏ.
- Cờ đến tay ai người ấy phất, bố mẹ nó nuôi nó ăn học từng ấy không phải để nó đi làm mõ làng cho nhà mày. Hiểu chưa? Nếu cho nó mà nó ko biết nhận thì mới đáng chửi là ngu
- Nhưng là người quen.
- Mày thử nhìn lại tất cả người quen của mày xem, nếu không có tiền thì mày có anh em gì không? Mày thử gọi cho chúng nó nhờ vả xem nào? Người quen chỉ là người quen khi mà mày biết nuôi chúng nó đúng cách. Còn tiền còn bạc còn đệ tử, hết cơm hết rượu hết ông tôi. Nhớ lấy lời tao.
Chẳng cần mẹ nó nhắc nó cũng nhớ. Lời nói ấy của mẹ xoáy sâu và cái nỗi đau thất thế vô hình trong lòng nó. Nhớ ngày xưa, đi đâu anh em nó cũng được xếp vào dạng mâm trên, vào bar này bar nọ có người cung kẻ phụng, đón rước chào hỏi từ xa, mỗi lần cuối năm nhà nó làm tất niên thuê nguyên cả một hội trường lớn, ăn uống đập phá, chửi bới loạn xạ. Khí thế của cái thời hào hùng ấy chưa đủ xa để không khỏi ám ảnh nó. Còn giờ đây, những đứa ngày xưa khúm núm khép nép khi bước vào cửa nhà này giờ có gặp ngoài đường cũng buông ánh mắt dửng dưng với nó như kẻ xa lạ, đôi khi nó cảm tưởng như có lỡ va quẹt vào không khéo nó là thằng ăn đòn nằm đường ngay lập tức. Đứa nào lịch sự tử tế hơn thì cũng mở miệng chào được một hai câu, nhưng cũng chỉ được một hai lần rồi cũng như xa lạ hết. Chẳng có đàn em nào là đàn em mãi mãi cả, nếu ngừng buông tiền ra nuôi đám đàn em, thì có thể bị chính chúng nó đập bất cứ lúc nào. Làm gì có cái gọi là tình nghĩa giang hồ trong cái thế giới ngầm nửa mùa này. Chỉ có đồng tiền mới là thứ mạnh nhất và làm chủ tất cả. Nhớ đấy...
- Mày đi đánh răng rửa mặt đi, nhìn mày bơ phờ quá. À lấy chị cái hộp trang điểm trên nhà luôn nhé. - Tiếng chị nhỏ nhẹ cắt ngang dòng suy nghĩ của nó, mẹ đã lên nhà từ khi nào.
- Vâng, chị cũng không ngủ được à? Mắt thâm quầng.
- Ai ngủ được, đánh tí phấn vào là hết mà, không sao đâu.
- Mọi chuyện nhanh quá, em không nghĩ tới.
- Chẳng biết dữ hay lành, tái ông thất mã. Thôi mặc mẹ đời xô đẩy tới đâu thì tới.
- Ừ, kệ mẹ đời, đợi em đi pha bát nước chấm khác.
- Thôi để đấy chị pha cho, mày đi đánh răng rửa mặt đi, nhanh rồi còn ra phường.
Nó lẳng lặng đi lên nhà, lời chị nói giờ cũng có chút suy tư như của mẹ "trong phúc có họa, trong họa có phúc, họa họa phúc phúc, phúc họa khó lường" thôi thì "kệ mẹ đời xô đẩy, tới đây thì tới" dẫu sao cũng nát lắm rồi, đi đánh răng đã không bánh cuốn nguội ăn mất ngon...
BÌNH LUẬN VỀ TRUYỆN