Chọn chế độ đọc: Sáng - Tối
Tôi và Hoàng trở về khách sạn lúc gần 2h sáng vì còn đi loăng quăng dạo bộ dọc đường. Người tôi mệt nhoài, đến mức vừa mở cửa phòng, tôi lao ngay ra giường nằm bẹp xuống. Hoàng lụi hụi đi lấy bánh pha sữa cho mấy bé mèo con, dọn dẹp cho sạch sẽ, vào tắm qua người rồi mới dám đi ngủ. Chúng tôi để đèn ngủ vì ngại. Ánh đèn mờ thôi, đủ để tôi có thể ngắm Hoàng cười.
- Sao nhỏ không thay áo đi?
- Thay gì cơ? Tôi mặc vậy quen rồi.
- Ừ, còn tôi toàn cởi trần ngủ
- Vậy Hoàng cởi trần ra đi!
- Gì kì vậy? Nằm cạnh nhỏ sao làm thế được?
Tôi úp mặt vào gối cười khúc khích. Hoàng lấy cái gối ôm chặn giữa chúng tôi để không có hành động gì đụng chạm dễ gây hiểu lầm. Đà Nẵng đêm mùa thu lạnh lạnh, chúng tôi đắp chung một cái chăn, nhưng sao khoảng cách không đủ gần để chia sẻ cùng nhau chút hơi ấm ít ỏi. Cả 2 chúng tôi đều khó ngủ, nằm quay ngang quay dọc một lúc lâu. Tôi vòng tay qua gối, giật giật áo Hoàng:
- Hoàng kể chuyện tôi nghe đi!
- Chuyện gì được hả nhỏ?
- Chuyện tình yêu!
- Tôi chưa hề có lấy một mối tình nào trọn vẹn cả.
- Vậy những mối tình đã tan vỡ thì sao?
- Thực ra hồi học trung học, tôi chỉ thích mỗi một người. Bạn ấy xinh lắm, tên Tuyết Chi, luôn tết tóc Thái vắt bím tóc sang một bên vai. Trông bạn ấy thật giống thiên thần. Tôi ngày ngày đi học, lặng lẽ đứng ở góc hành lang ngắm bạn đi chạy qua chạy lại chơi đùa. Nhỏ không hiểu được cảm giác của một thằng con trai kém cỏi như tôi đâu. Trên người chẳng có lấy điều gì đặc biệt, thì mơ tưởng gì mà thích người ta chứ?
Thế rồi một ngày cuối năm lớp 10, lớp tôi đi lao động cuối năm để chuẩn bị cho bế giảng, bạn ấy không biết tí máy tí mẻ gì mà cuốc vào chân, bật cả móng, máu chảy ròng ròng. Tôi nhìn sợ quá, lúc ấy trong suy nghĩ của tôi, chỉ sợ bạn ấy mất máu mà chết. Tôi vội quẳng xẻng lao tới, bế thốc bạn ý lên vai, bê như bê lợn, chạy thẳng vào phòng y tế. Khổ cái, lúc ấy cái ông y tá phòng y tế đi đâu không biết, chẳng có khóa để mở tủ thuốc, tôi điên nhặt đôi guốc (chả biết của ai) ở góc tủ, đập cửa kính một phát vỡ choang. Sau đó lấy ra bông băng, cồn iot sát trùng, rửa sạch chân cho bạn ấy rồi băng lại. Mọi thứ đó tôi chỉ làm trong vài phút. Bạn ấy với mọi người cứ trố tròn mắt nhìn tôi cứ như quần tôi thủng đít vậy. Làm xong xuôi tôi đi thẳng ra sân trường, vác xẻng đi về. Bạn ấy đã ổn, rồi sẽ có người chăm lo cho bạn ấy những phần còn lại. Tôi chỉ làm được nhiêu đó thôi.
Nhưng con gái thật kỳ lạ. Bạn ấy thích tôi kể từ lần tai nạn đó. Tôi không bao giờ nghĩ sự việc ngày hôm ấy lại thay đổi mối quan hệ của tôi với bạn ấy nhiều đến thế. Chúng tôi đi chung đường đến trường, cùng đợi nhau ở cột điện đầu ngõ. Tôi đi cái xe đạp mifa màu xanh lá, bạn ấy đi mini màu hồng, 4 bánh xe đạp đều đặn bên nhau suốt quãng thời gian lớp 11. Bạn ấy dạy tôi chơi rubik, dạy tôi học Văn, dạy tôi cách tết hoa trang trí bàn học… Nhiều lắm, cái gì bạn ấy cũng biết. Còn tôi, tôi chỉ biết yêu, chẳng biết gì.
- Rồi có chuyện gì hả Hoàng?
- Năm cuối 11, tôi mải mê chơi bời điện tử. Mà cái tuổi đó thì chẳng biết sao ham mê lắm thứ phù du đến thế? Tôi chẳng chịu học hành gì cả. Cả ngày cắm đầu vào mấy cái quán game cổng trường. Kết quả học tập thì be bét. Bạn ấy nhắc nhở tôi luôn luôn nhưng tôi không nghe. Đến một ngày bạn ấy nói không muốn quen một người bất tài không có chính kiến như tôi nữa. Tôi nhận ra thì mọi thứ muộn rồi. Tự làm mình xấu xí đi trước mắt người ta. Tôi ngu dốt và ngốc nghếch. Con đường đi học của tôi lúc ấy lại quay trở lại thời gian trước, 2 bánh xe trước sau đều đặn đuổi nhau trên mặt đường. Buồn thì buồn lắm. Nhưng chiếc cốc vỡ rồi mà cố nhặt lên thì điều còn lại chỉ là những vết nứt. Tôi không bao giờ muốn sửa chữa những gì đã hỏng.
- Vậy là cứ rời xa hả Hoàng?
- Ừ, hè năm ấy người ta phải chuyển đi vì bố mẹ chuyển công tác. Người ta gọi điện bảo tôi là: "Nếu Hoàng giữ Chi lại, Chi sẽ ở lại, một mình Chi sống ở đây cũng được.". Tôi cười bảo: "Không, Hoàng không giữ. Chi đi đi!". Thực tình lòng tôi đau lắm chứ. Nhưng giá như tôi sinh ra là công tử trong một gia đình giàu có, tôi tự làm ra tiền, tự lo được cuộc sống cho tôi, tôi sẽ giữ bạn ấy ngay. Làm sao lại có thể để tình yêu của đời mình rời xa mà không đau đớn nuối tiếc? Tôi biết tôi sẽ rất buồn. Nhưng điều đó tốt cho người ta hơn.
- Hoàng thật ngốc!
- Tôi biết vậy!
- Rồi người ta… Rồi Chi đi à?
- Đúng rồi. Buổi chiều trước hôm Chi đi. Bạn ấy sang nhà tôi gõ cửa gọi tôi ra. Tôi không ra. Nói chuyện gì thì cũng không thể thay đổi được. Tôi không thích nói nhiều. Tính tôi thế. Bạn ấy gọi ầm lên. Sau đó tôi nghe tiếng RẦM cứ như sét đánh ấy. Vội chạy ra, cái cửa nhà tôi đổ be bét nghiêng ngả. Trời đất quỷ thần ơi!!! Bạn ấy đạp đổ cả cửa Vi ạ. Tôi sợ vãi cả đái ra quần, không nghĩ bạn ấy khỏe như trâu thế. Bạn ấy lao vào nhà, đi đến chỗ tôi, đấm cho tôi ba phát nổ đom đóm mắt. Xong rồi bạn ý về. Hôm sau chuyển nhà tôi đứng núp trên ban công nhìn bạn ấy cho đến khi khuất bóng, khóc mất cả buổi chiều.
- Hi hi
- Cười chi?
- Vi buồn cười
- Bạn ấy đi rồi, tôi lại quay lại những ngày nhàn nhạt. Mối tình ấy qua đi như thế. Mấy quả đấm của bạn ấy làm mặt tôi sưng tím cả tháng trời luôn. Khiếp đảm. Ra đi mà để lại cho người ta ký ức hãi cmn hùng.
Tôi cười bò ra khi nhìn bộ mặt thất kinh của Hoàng lúc tả lại, cảm giác cậu ấy như đang trải nghiệm sự sợ hãi ấy một lần nữa. Kể xong Hoàng quay ngay đi nơi khác. Tôi nhìn thấy trên bờ vai cậu ấy một nỗi buồn không thể nói được thành lời. Tại vì đâu mà một người con trai tầm tuổi này lại luôn tự ti và hạ thấp bản thân mình như thế? Cậu ấy không hề hiểu rằng, một khi chính cậu ấy còn không yêu thương và trân trọng bản thân mình, thì có ai yêu thương cậu ấy được nữa đây?
Có phải vì những nỗi đau tinh thần, vật chất đã trôi qua để lại trong trái tim cậu ấy một vết thương không bao giờ lành?
- Còn Vi thì sao?
- Sao cơ?
- Vi yêu ai chưa?
- Có lẽ là chưa! Có lẽ chỉ mới biết thích, chưa yêu.
- Ai?
- Cũng chẳng có gì để kể. Xưa ở Đà Nẵng, học lớp 8, có em lớp 7 thích tôi, nhưng rồi tôi chuyển ra Hà Nội cùng bố mẹ, bặt vô âm tín từ đó. Những mối tình con trẻ thường trôi đi do khoảng cách địa lý xa xôi. Thực ra nghĩ kĩ thì cũng không phải, xa xôi không ở đâu xa, không vì đâu cả, xa xôi là do lòng người mà thôi. Nếu thực lòng quan tâm, thực lòng yêu thương thì đã không bỏ lỡ. Không biết vì sao em ấy lần mò được số điện thoại nhà tôi, thi thoảng vẫn gọi hỏi thăm "chị ngốc khỏe không?", "nhớ Đà Nẵng chứ?", "và… chị có nhớ em?". Hi, hay nhỉ, mỗi con người chúng ta đều có một miền riêng nào đó dù đã trôi rất xa nhưng vẫn luôn lưu giữ trong một góc nhỏ của trái tim mình.
- Này này, cái gối… cái gối!
Tôi giật mình nhìn, cái gối Hoàng đặt ngăn cách giữa tôi và Hoàng đã bắn ra góc giường từ lúc nào. Bây giờ tôi và Hoàng chỉ cách nhau một bàn tay, ngước lên là bắt gặp ánh mắt cậu ấy. Tôi vội quay đi, nằm lui lui ra mép giường. Hoàng ho ho vài tiếng rồi kéo chăn lên đắp cho tôi, cậu ấy bảo tôi ngủ đi. Tôi gật đầu nhẹ nhẹ.
- Này Hoàng!
- Hử?
- Tôi có phải loại con gái hư hỏng không?
- Định nghĩa con gái hư hỏng là như thế nào?
- Thì bỏ nhà theo trai, vào nhà nghỉ với trai, ngủ cùng giường với trai…
- Thế thì đúng mẹ ruồi.
- Cái gì?
- Tôi nói Vi đúng là loại con gái hư hỏng rồi.
- Hoàng thuê phòng khác cho tui ngay!!!
- Hầy, Vi có tiền thì tự thuê đi!
- Hoàng….
Trời đất! Tôi điên mất. Hắn là người lôi kéo tôi đi giờ lại trở mặt như thế sao? Tôi cầm gối đứng phắt dậy, với luôn cả tấm khăn tắm to rồi đi ra góc phòng, trải khăn tắm ra và nằm xuống đó.
- Vi làm cái gì đấy?
- Làm gái ngoan!
- Ủa chứ lại có định nghĩa ngủ đất là gái ngoan à?
Tôi im lặng. Giờ hắn là thế thắng rồi. Cãi gì cũng chỉ thua thôi.
- Thế còn cái phần bỏ nhà theo trai, vào nhà nghỉ với trai thì tính sao đây?
- Cuối cùng là mày muốn gì? – Tôi lại đứng dậy gào lên.
- Thì tao muốn cho mầy thấy rằng chẳng có ai phán xét nhân cách mầy cả, chỉ cần mầy không làm sai gì, không hành động hổ thẹn với bản thân mình là được. Thôi lên giường đi. Trời sắp sáng còn tao mệt lắm rồi. Ngồi đợi cái cầu xoay mà muỗi đốt sưng chân không cả cởi được quần dài ra.
- Ai khiến đi rồi không về đúng giờ?
- Nhỏ còn không thèm hỏi thăm tôi vì sao không về đúng giờ nữa?
- Hỏi thăm thì có quay trở lại thời gian cho đằng ấy về đúng giờ được không?
- Nhưng ít ra thì cũng phải hỏi chứ?
- Im đi, trốn khỏi nhà cho bình yên mà nói riết đau đầu thấy mồ.
- Nhỏ cũng đâu có nói ít đâu?
- Thế đằng ấy có trật tự không?
- Ờ thì trật tự, tôi bắt đầu trật tự đây, e hèm, tôi trật tự nhé. Thông báo với nhỏ là tôi bắt đầu trật tự đây này, trật tự thật đấy, từ bây giờ tôi không có nói gì đâu…..
- Im đi! Chết mất!
Tôi lấy cả 2 cái gối ụp tai trong khi Hoàng vẫn lải nhải bên cạnh. Thằng này bình thường không sao nhưng cứ lên cơn là điên vậy. Một lúc sau mọi thứ lại chìm vào yên tĩnh, Hoàng thôi lảm nhảm trêu tôi rồi. Đêm lại vang lên những âm thanh riêng biệt. Nhìn ra cửa sổ, tôi đoán trời sắp sáng. Bóng tối cô quạnh phía ngoài tấm rèm cửa sổ nhắc tôi nhớ đến bố mẹ. Hai người giờ đang làm gì? Chắc cũng không biết tôi đã đi khỏi nhà, đã đi đâu và với ai. Bao năm qua tôi cứ sống như một nhân vật thừa thãi vậy thôi.
Hoàng lại vòng tay kéo chăn đắp cho tôi. Ban đêm ở Đà Nẵng lạnh thật. Tôi co mình trong tấm chăn để gạt đi những cơn gió đầu đông. Đằng sau lưng tôi, tiếng thở đều đều. Nhịp thở của người đang thức. Nhịp thở của những nghĩ suy chưa thể chìm vào giấc ngủ. Chúng tôi, những đứa trẻ mới chập chững bước vào đường đời va vấp, nằm cạnh nhau trong một căn phòng, giữa một thành phố lạ, dưới bầu trời đêm mùa đông lành lạnh… Tôi sẽ không bao giờ quên. Quên sao được những nhịp thở mạnh dần để lấy hết dũng khí trong trái tim cho đến khi đủ can đảm vươn tay về phía tôi và ôm tôi vào lòng, trong khi tôi nín thở nhắm nghiền mắt giả vờ ngủ.
Con đường tôi đi, có một người lúc nào cũng giúp tôi cảm thấy bình yên và được che chở, là người luôn đưa tay về phía tôi trước khi tôi sợ hãi và lo lắng bất cứ điều gì.
***
Cảm giác nheo mắt tỉnh giấc và nhận ra có người đang nằm nhìn mình quả thật vô cùng đáng sợ. Tôi gần như bay lên trần nhà và đạp Hoàng thủng bụng lăn lông lốc xuống đất ngay khi phát hiện hắn ngồi ngắm tôi ngủ. Nhưng ngay sau đó nhìn Hoàng lồm cồm bò dậy lại thương. Tôi đạp mạnh quá thì phải.
- Nhỏ bị điên hả? Mới tỉnh dậy đã khùng rồi.
- Sao đằng ấy lại nhìn tôi ngủ?
- Tôi đang tính gọi nhỏ dậy, ai ngờ lúc nhỏ tỉnh giấc lại động kinh vậy chứ???
Tôi chụm chân lại, nghĩ cũng ngại. Thứ con gái gì đâu. Chạy ra kiểm tra xem Hoàng có bị thương chỗ nào không thì bị hắn gạt ra. Bỗng dưng cảm thấy áy náy.
- Trong phim Hàn Quốc nam chính ngồi ngắm nữ chính đâu có bị đạp lòi cả zom ra như thế này chứ? – Hoàng lẩm bẩm
- Hả?
- Không, đi ăn đi!
Đà Nẵng ban ngày không gian yên ắng và tĩnh lặng vừa đủ cho tôi vừa cười mủm mỉm vừa tản bộ mà không vướng bận điều gì. Đã Nẵng là thành phố tôi sống từ khi sinh ra đến khi bố mẹ chuyển công tác ra Hà Nội. Cũng là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời khi chuyến xe ra Hà Nội tôi bị tai nạn, vào bệnh viện cấp cứu thì phát hiện tôi không phải con gái bố Tùng. Rồi từ đó mái ấm hạnh phúc gia đình của tôi hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho những nứt vỡ khổ đau. Cuộc sống luôn có những nếp gấp không thể đoán định trước. Tôi cũng không bao giờ ngờ những thứ xảy ra với mình lại trái ngang đến vậy.
- Vi ăn cức hem?
- Ô khốn nạn!
Hoàng giật tóc tôi rồi chạy về phía trước, cười nhăn nhở, tay khua khắng lòng khòng như con vượn. Tôi bất giác cười theo. Trong đầu lẩm nhẩm một vài địa điểm để đưa Hoàng tới chơi. Tôi đưa Hoàng đi ăn bánh mì ở Lu café – quán của một người bạn tôi quen, đi ăn bánh tráng cuốn thịt heo, đi ra Cù Lao Chàm. Áy náy nhất là từ Cù Lao Chàm về, tôi vắt cái quần dài của Hoàng lên thành tàu, gió giật rơi mất xuống biển, mất gần 1 triệu và toàn bộ giấy tờ cá nhân của cậu ấy. Hoàng tức tôi ra mặt vì phải mặc quần xà lỏn về khách sạn. Tôi thì không phản kháng lại vì tội rõ ràng là của tôi rồi. Nhưng đến lúc Hoàng càm ràm nhiều quá, tôi gắt lên:
- Có mỗi cái quần mà lèm bèm riết vậy? Mai về tôi mua lại cho.
Hoàng được thể chửi um lên ngay:
- Nhỏ nói nghe hay nhỉ, nhỏ thử hỏi mình xem nhỏ đã làm được gì cho tôi hay toàn phá hoại?
Tôi ức quá. Dù gì cũng chỉ có cái quần thôi. Mất rồi thì mua cái mới, đơn giản vậy thôi mà. Con trai mà tính toán ghê thế? Tôi cầm cái khăn tắm hình con mèo kitty của tôi quẳng vào mặt hắn rồi quát:
- Tui thấy đằng ấy quấn cái này hợp hơn đấy. Đồ đàn ông mặc váy!
Hoàng thấy tôi giận, lại hớt hải chạy theo giữa đoàn người chiều tối đổ từ biển về khách sạn. Nhìn hai đứa trẻ chúng tôi rõ mắc cười. Con bé thì hằm hằm cái mặt, thằng bé mặc xi líp ôm khăn tắm hồng chạy đằng sau. Hoàng cứ ra sức dí cái khăn tắm vào tay bắt tôi cầm. Mãi không được hắn ức gần như khóc, gào lên với tôi:
- Cầm hộ tao đi con điên!
- Đéo cầm!
Cứ thế tôi với Hoàng chía chóe cả đoạn đường về. Đặt chân được vào khách sạn. hai chị lễ tân nhìn chúng tôi che miệng cười. Tôi lấy chìa khóa rồi thủng thẳng đi lên tầng trong khi Hoàng đã chạy lên úp chim vào cửa phòng đợi tôi từ bao giờ. Nói thật nhìn cái điệu bộ hắn lúc ấy dù có tức giận đến đâu cũng muốn bò ra mà cười. Những ngày ở Đà Nẵng bình yên và lắm phiền toái đáng yêu. Tôi có làm gì có lỗi Hoàng cũng chỉ giận được một lúc rồi lại hiền hòa chịu đựng. Hoàng hứa sớm mai sẽ đưa tôi đi phố cổ Hội An, mua tặng tôi vài món đồ tôi thích. Còn tôi thì ngồi lẩm nhẩm tính xem tôi đã quen Hoàng bao lâu, bao nhiêu ngày, đã trải qua bao nhiêu kỷ niệm mà tôi và cậu ấy lại thân thiết tới mức không hề có khoảng cách như thế?
Chúng tôi cùng nhau tận hưởng những giây phút vô ưu vô lo cho đến khi điện thoại của Hoàng rung lên một số quen thuộc. Tôi sợ tới mức làm rớt cây bút dạ trên tay khi đang chơi vẽ mặt mèo với Hoàng. Bác Ngọc gọi. Tôi chỉ nghe thấy tiếng léo nhéo ở đầu dây bên kia, sau đó là mặt Hoàng hơi biến sắc. Không chờ Hoàng cụp máy, tôi chạy vội ra vali lấy điện thoại của tôi bật nguồn lên. Người lớn luôn khiến những đứa trẻ như chúng tôi buộc phải bước ra từ cổ tích và trở về hiện tại. Đèn điện thoại của tôi mới kịp sáng, còn chưa kịp khởi động hết các chương trình, nó đã rung bần bật lên. Mẹ gọi! Cảm giác như 2 ngày vừa qua mẹ chỉ ngồi ở nhà và bấm đi bấm lại số điện thoại của tôi cho đến khi liên lạc được. Tôi ấn nút nghe, chầm chậm trả lời:
- Alo!
- Mày giỏi nhỉ? Con ranh con mất dạy! Mày về ngay đây trước khi tao đến lôi cổ mày về. …
Tôi chỉ nghe tới đó là đặt điện thoại xuống đùi, giữ máy một lát cho mẹ độc thoại một mình. Tôi thừa đoán được những lời chửi rủa mà mẹ có thể thốt ra được. Nước mắt lại trào ra khiến tôi muốn trốn vào một góc nào đó cô độc trên thế giới này, một góc chỉ có mình tôi thôi.
Hoàng đến bên tôi, nhẹ nhàng ngồi cạnh nhưng không nói gì. Tôi ngước sang nhìn Hoàng, nấc lên:
- Ngày mai chúng mình phải về rồi!
Hoàng gật đầu và im lặng để tôi khóc tiếp. Lát sau cậu ấy đưa tay vỗ vỗ vào vai tôi. Tôi được thể khóc òa lên, tay ra sức quệt ngang má mà vẫn không đỡ được hết nước mắt. Ban đêm tĩnh lặng đến đáng sợ. Tôi hoảng hốt giữa những cơn gió đập vào cửa sổ. Vội vã ngồi xích lại gần Hoàng:
- Hoàng nói gì đi. Tôi sợ im lặng!
- Vi nín đi!
- Ừ, ừ!
- Tôi thương Vi nhiều, Vi đừng khóc nữa.
Nghe xong câu đó, tôi khóc ác hơn. Hoàng bối rối:
- Vi đừng để ý đến những lời nói của người lớn. Họ chẳng biết gì đâu! Thật đấy, mẹ Vi còn chẳng nhớ năm nay Vi bao nhiêu tuổi, học lớp nào, thì làm sao hiểu được những gì Vi đang chịu đựng? Đừng chấp những người vô tâm Vi ạ. Chỉ cần có tôi thương Vi là đủ rồi…
Tôi cố gắng ngăn nước mắt nhưng dường như không được. Đành để mặc cho lòng mình chảy trôi. Nghĩ đến hành trình ngày mai quay trở về với những cơn ác mộng, tôi không khỏi sợ hãi. Nhưng cái gì đến rồi cũng sẽ đến thôi. Dù sao thì bên tôi cũng có một bờ vai sẵn sàng cho tôi tựa vào khi mệt mỏi.
Ngoài khung cửa sổ, gió vẫn thét gào! Nhưng trong căn phòng này, ngồi cạnh Hoàng tôi thực sự cảm thấy ấm áp
Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã có cho mình một con đường, một số phận riêng để đi. Chúng ta có thể là kẻ đơn độc trong một giai đoạn, một thời kỳ nào đó, song sẽ đến một thời điểm mà chúng ta không ngờ trước được, có người bước chân vào cuộc hành trình của đời mình.
Ấy là khi chúng ta biết rung động trước một người, biết trao đi yêu thương và nhận lại thương yêu…
Chúng tôi cùng nhau tận hưởng những giây phút vô ưu vô lo cho đến khi điện thoại của Hoàng rung lên một số quen thuộc. Tôi sợ tới mức làm rớt cây bút dạ trên tay khi đang chơi vẽ mặt mèo với Hoàng. Bác Ngọc gọi. Tôi chỉ nghe thấy tiếng léo nhéo ở đầu dây bên kia, sau đó là mặt Hoàng hơi biến sắc. Không chờ Hoàng cụp máy, tôi chạy vội ra vali lấy điện thoại của tôi bật nguồn lên. Người lớn luôn khiến những đứa trẻ như chúng tôi buộc phải bước ra từ cổ tích và trở về hiện tại. Đèn điện thoại của tôi mới kịp sáng, còn chưa kịp khởi động hết các chương trình, nó đã rung bần bật lên. Mẹ gọi! Cảm giác như 2 ngày vừa qua mẹ chỉ ngồi ở nhà và bấm đi bấm lại số điện thoại của tôi cho đến khi liên lạc được. Tôi ấn nút nghe, chầm chậm trả lời:
- Alo!
- Mày giỏi nhỉ? Con ranh con mất dạy! Mày về ngay đây trước khi tao đến lôi cổ mày về. …
Tôi chỉ nghe tới đó là đặt điện thoại xuống đùi, giữ máy một lát cho mẹ độc thoại một mình. Tôi thừa đoán được những lời chửi rủa mà mẹ có thể thốt ra được. Nước mắt lại trào ra khiến tôi muốn trốn vào một góc nào đó cô độc trên thế giới này, một góc chỉ có mình tôi thôi.
Hoàng đến bên tôi, nhẹ nhàng ngồi cạnh nhưng không nói gì. Tôi ngước sang nhìn Hoàng, nấc lên:
- Ngày mai chúng mình phải về rồi!
Hoàng gật đầu và im lặng để tôi khóc tiếp. Lát sau cậu ấy đưa tay vỗ vỗ vào vai tôi. Tôi được thể khóc òa lên, tay ra sức quệt ngang má mà vẫn không đỡ được hết nước mắt. Ban đêm tĩnh lặng đến đáng sợ. Tôi hoảng hốt giữa những cơn gió đập vào cửa sổ. Vội vã ngồi xích lại gần Hoàng:
- Hoàng nói gì đi. Tôi sợ im lặng!
- Vi nín đi!
- Ừ, ừ!
- Tôi thương Vi nhiều, Vi đừng khóc nữa.
Nghe xong câu đó, tôi khóc ác hơn. Hoàng bối rối:
- Vi đừng để ý đến những lời nói của người lớn. Họ chẳng biết gì đâu! Thật đấy, mẹ Vi còn chẳng nhớ năm nay Vi bao nhiêu tuổi, học lớp nào, thì làm sao hiểu được những gì Vi đang chịu đựng? Đừng chấp những người vô tâm Vi ạ. Chỉ cần có tôi thương Vi là đủ rồi…
Tôi cố gắng ngăn nước mắt nhưng dường như không được. Đành để mặc cho lòng mình chảy trôi. Nghĩ đến hành trình ngày mai quay trở về với những cơn ác mộng, tôi không khỏi sợ hãi. Nhưng cái gì đến rồi cũng sẽ đến thôi. Dù sao thì bên tôi cũng có một bờ vai sẵn sàng cho tôi tựa vào khi mệt mỏi.
Ngoài khung cửa sổ, gió vẫn thét gào! Nhưng trong căn phòng này, ngồi cạnh Hoàng tôi thực sự cảm thấy ấm áp
Mỗi người chúng ta khi sinh ra đã có cho mình một con đường, một số phận riêng để đi. Chúng ta có thể là kẻ đơn độc trong một giai đoạn, một thời kỳ nào đó, song sẽ đến một thời điểm mà chúng ta không ngờ trước được, có người bước chân vào cuộc hành trình của đời mình.
Ấy là khi chúng ta biết rung động trước một người, biết trao đi yêu thương và nhận lại thương yêu…
BÌNH LUẬN VỀ TRUYỆN